Bí quyết thành công của kinh tế Hàn Quốc

Người đăng: Unknown on Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

sangtaodoimoi.blogspot.com dẫn từ nguồn http://www.baomoi.com/Bi-quyet-thanh-cong-cua-kinh-te-Han-Quoc/45/5163776.epi
Cách đây 30 năm, Hàn Quốc còn nghèo hơn cả Malaysia và Mexico. Từ đó cho đến nay, bình quân thu nhập đầu người của Hàn Quốc đã tăng gấp 10 lần, lên tới 17.000 USD/người. Năm 2009, khi cả thế giới công nghiệp phát triển đều bị suy thoái, GDP của Hàn Quốc vẫn tăng 0,2% và năm nay dự kiến sẽ tăng tới 6%.
Tự hào “Made in Korea” Chính Samsung và LG, chứ không phải các hãng điện tử khổng lồ của Nhật Bản, đang chiếm lĩnh thị trường TV màn hình tinh thể lỏng (LCD). Về công nghệ 4G, Samsung đang trên đường trở thành một thế lực đáng gờm, trong khi Hyundai Motor là một trong 5 nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới.
Từng bị coi là đồng nghĩa với “rẻ tiền và bắt chước”, “Made in Korea” hiện đã biến thành thương hiệu “hàng đầu và sáng tạo”. Về mặt chính trị, Hàn Quốc đang dần thoát khỏi cái ô của Mỹ và đang trở thành một thế lực trên chính trường thế giới, có tiếng nói ngày càng có trọng lượng hơn. Hàn Quốc là nước châu Á đầu tiên giành quyền đăng cai Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới.
Đóng góp đáng kể vào những thành tựu trên là lòng yêu nước, nỗ lực phấn đấu vươn lên của cả dân tộc. Hàn Quốc đã dành 3,5% GDP vào nghiên cứu phát triển (R&D), trong khi Trung Quốc chỉ dành có 1,5% và Ấn Độ còn thấp hơn nữa (1%).
Sáng tạo là cái thứ mà người ta không thể ra lệnh từ các cơ quan chính phủ hay các ban giám đốc xí nghiệp. Nó nằm trong đầu mỗi công dân Hàn Quốc. Người Hàn Quốc ngày càng chấp nhận tính đa dạng, không sợ những ảnh hưởng của bên ngoài và biết cách chia tay với những định kiến lạc hậu, lỗi thời. Đây chính là sự thay đổi cơ bản trong xã hội Hàn Quốc. Người Hàn Quốc đang phá vỡ những trở ngại trên con đường đi lên của dân tộc – một quá trình được thúc đẩy bởi quá trình dân chủ hóa và toàn cầu hóa.
Toàn cầu hóa là một trong những động lực thúc đẩy kinh tế Hàn Quốc tiến bộ vượt bậc. Hồi đầu những năm 1960, Hàn Quốc đã tận dụng nguồn lao động giá rẻ để sản xuất đồ chơi, giày dép và các sản phẩm kỹ thuật thấp để bán cho giới tiêu dùng ở phương Tây. Đó chính là sự khởi đầu. Với thời gian, khi chi phí sản xuất leo cao, Hàn Quốc chuyển sang đóng tàu thủy, chế tạo chip điện tử và các sản phẩm công nghệ cao khác. Đối với người Hàn Quốc, toàn cầu hóa là xa lộ một chiều: một khi đã đi vào thì không thể nào không đi tiếp. Hàn Quốc bán sản phẩm ra toàn thế giới và cái mà nước này thu về không chỉ là tiền bạc. Kinh tế Hàn Quốc phát triển dựa trên tính năng động nội tại. Người Hàn Quốc bây giờ không “chê” xe nước ngoài, đầu tư nước ngoài và cả người nước ngoài như trước đây.
“Sáng tạo hay là chết”. Thế nhưng, nền kinh tế này vẫn tồn tại nhiều vấn đề. Vốn được nhà nước che chở trước sự cạnh tranh từ bên ngoài và từng dựa vào khá nhiều những mối quan hệ “móc ngoặc” với chính phủ và ngân hàng, các công ty Hàn Quốc đã đầu tư thoải mái mà không hề nghĩ đến những gánh nặng nợ khổng lồ.
Vấn đề này đã bộc lộ rõ ràng trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Khi phần lớn các công ty nổi tiếng bị phá sản và chính phủ Hàn Quốc đành phải nhờ cậy đến khoản tiền cứu trợ 58 tỷ USD của IMF. Người Hàn Quốc bắt đầu xem xét lại phương thức kinh doanh và toàn bộ nền kinh tế. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á chính là “chất xúc tác” cho sự thay đổi, với nhận thức rằng “phương thức kinh doanh cũ quả là đã lỗi thời”.
Cuộc khủng hoảng 1997 đã làm tan rã mối liên kết chính phủ-ngân hàng-công ty, buộc các công ty lớn phải làm ăn có lãi thực sự, tự đứng trên đôi chân của mình và có sức cạnh tranh trên thương trường thế giới. Luồng tiền đổ vào, những ý tưởng mới và người nước ngoài đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi này. Sau khủng hoảng tài chính 1997, các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế Hàn Quốc và các công ty Hàn Quốc làm ăn thua lỗ đã được đem bán cho các tập đoàn quốc tế khổng lồ. Con số những người nước ngoài sinh sống ở Hàn Quốc cũng tăng từ 250.000 người trong năm 2000 lên 870.000 người trong năm 2009.
Có thể nói kinh tế Hàn Quốc thời tiền khủng hoảng tài chính châu Á hoạt động giống như một thứ câu lạc bộ và sức ép cạnh tranh đã buộc người Hàn Quốc phải “sáng tạo hay là chết”.
Trong thập kỷ qua, Hàn Quốc đã trở thành một xã hội dân chủ hơn nhờ sự lãnh đạo của hai vị tổng thống vốn xuất thân từ phe đối lập Kim Dae Jung, Roh Moo Hyun và nhờ công cuộc cải cách kinh tế theo định hướng thị trường sau cuộc khủng hoảng tài chính 1997. Nếu không có quá trình dân chủ hóa, các ngành công nghiệp sáng tạo khó có thể ra đời và “đâm hoa, kết trái”. Tính công khai minh bạch là rất cần thiết đối với các ngành công nghiệp sáng tạo, nơi người ta không ngại nói ra những suy nghĩ của riêng mình.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu to lớn, lao động nữ ở Hàn Quốc hiện vẫn còn bị phân biệt đối xử. Hệ thống giáo dục “chưa theo kịp thời đại” đã khiến cho nhiều gia đình khá giả gửi con ra nước ngoài học tập. Tại các trường đại học Mỹ, có tới 75.000 sinh viên Hàn Quốc đang theo học - đông thứ ba và chỉ chịu xếp sau hai nước khổng lồ là Ấn Độ và Trung Quốc.
Tình trạng phân biệt đối xử trong kinh doanh cũng còn tồn tại ở Hàn Quốc. Đó là chưa kể nước này luôn phải sẵn sàng đối phó với mối đe dọa thường trực ở Bán đảo Triều Tiên vẫn còn đang bị chia cắt.



----------------------------------------------------------------------------------------------
TRITRI.org - SÁNG TẠO ĐỔI MỚI
Thích ứng thay đổi * Chủ động sáng tạo * Dẫn dắt thành công
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ cũ link                 BÀI VIẾT sáng tạo: link
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ mới link             HÌNH ẢNH sáng tạo: link

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét