Thời cơ vàng của doanh nghiệp KHCN trong trường Đại học

Người đăng: Unknown on Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

I. GIỚI THIỆU VỀ DOANH NGHIỆP KHCN TRONG TRƯỜNG ĐẠI HỌC.
Sinh viên:
-         Trong cộng đồng doanh nghiệp nước ta hiện nay, nhóm doanh nghiệp nào độc đáo và lạ lẫm nhất, thưa ngài tiên sinh?
Nhà tư vấn:
-         Theo ta đó là doanh nghiệp Khoa học Công nghệ (KHCN) trong các trường Đại học. Dĩ nhiên, không thể tính các công ty dịch vụ quản lý ký túc xá, căn tin hay bãi giữ xe vào nhóm doanh nghiệp KHCN này được!
-         Mặc dù không sang trọng và trí tuệ như các doanh nghiệp KHCN nhưng các bãi giữ xe trong trường ĐH lại có hiệu quả kinh doanh cực kỳ cao mà các doanh nghiệp KHCN có nằm mơ cũng khó mà thấy được.
Sinh viên:
-         Hiện có bao nhiêu doanh nghiệp KHCN trong trường ĐH, thưa ngài tiên sinh?
Nhà tư vấn:
-         Tính đến tháng 1/2013, có 46 doanh nghiệp KHCN do 23 trường ĐH thành lập. So với hoạt động đào tạo, các trường ĐH thường công bố thông tin về hoạt động kinh doanh KHCN ít hơn nhiều.
Sinh viên:
-         Định hướng phát triển doanh nghiệp KHCN nói chung và doanh nghiệp KHCN trong các trường ĐH trong thời gian tới như thế nào.
Nhà tư vấn:
-         Quyết định 1244/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25/7/2011 "Về việc phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu giai đoạn 2011-2015" chỉ rõ: Đến năm 2015 phát triển 3.000 doanh nghiệp KHCN, trong đó số lượng doanh nghiệp KHCN hình thành từ các trường ĐH, Viện nghiên cứu chiếm khoảng 70%.

II. THỜI CƠ VÀNG CỦA DOANH NGHIỆP KHCN.
Sinh viên:
-         Cơ hội phát triển của các doanh nghiệp KHCN trong trường ĐH thế nào, thưa ngài tiên sinh?
Nhà tư vấn:
-         Doanh nghiệp KHCN trong trường ĐH có tiềm năng trở thành một lực lượng đặc biệt trong nền kinh tế. Một xu hướng đang diễn ra ở nước ta hiện nay là suy giảm các nguồn tài nguyên thiên nhiên (khoáng sản, thủy năng, đa dạng sinh học,…), gia tăng ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Khi mất dần chỗ dựa từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nền kinh tế chắc chắn phải dựa nhiều hơn vào nguồn tài nguyên KHCN. Vì vậy, doanh nghiệp KHCN trong các trường ĐH có tiềm năng trở thành một lực lượng sản xuất đặc biệt trong nền kinh tế.
Sinh viên:
-         Hành lang pháp lý cho doanh nghiệp KHCN trong trường ĐH thế nào, thưa ngài tiên sinh?
Nhà tư vấn:
-         Hành lanh pháp lý cho doanh nghiệp KHCN trong trường ĐH ngày càng hoàn thiện.Từ năm 2005 đến nay, nhiều bộ luật và văn bản dưới luật liên quan đến lĩnh vực này đã được ban hành. Về luật có: luật Khoa học và Công nghệ, luật Chuyển giao công nghệ, luật Sở hữu trí tuệ, luật Công nghệ cao,... Các văn bản dưới luật tiêu biểu là: nghị định 115/2005/NĐ-CP, nghị định 80/2007/NĐ-CP, nghị định 96/2010/NĐ-CP của Chính phủ, thông tư 22/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quyết định 1244/QĐ-TTg của Thủ tướng. Chưa bao giờ cơ chế, chính sách về doanh nghiệp KHCN trong trường ĐH được quan tâm và thúc đẩy mạnh mẽ như hiện nay.
Sinh viên:
-         Tiền lệ về doanh nghiệp KHCN trong trường ĐH thế nào, thưa ngài tiên sinh?
Nhà tư vấn:
-         Những tiền lệ về doanh nghiệp KHCN trong trường ĐH đã hình thành.Tính đến tháng 1/2013, trên cả nước có 23 trường ĐH đã thành lập được 46 doanh nghiệp KHCN trực thuộc. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã tiến một bước dài khi phát triển hệ thống doanh nghiệp KHCN của mình theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Ngay cả những trường ĐH thuộc khối phi công nghệ cũng đã thành lập doanh nghiệp trực thuộc, ví dụ trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) có công ty TNHH Dịch vụ Khoa học và Du lịch. Không ít trường ĐH ngoài công lập cũng có doanh nghiệp trực thuộc, ví dụ ĐH Dân lập Hải Phòng có 1 công ty, ĐH Đông Á (Đà Nẵng) có tới 6 công ty.
Sinh viên:
-         Doanh nghiệp KHCN trong trường ĐH đóng góp tài chính cho ngân sách của trường thế nào, thưa ngài tiên sinh?
Nhà tư vấn:
-         Doanh nghiệp KHCN trong trường ĐH có tiềm năng trở thành một công cụ tài chính thông qua lợi nhuận thu được.Doanh nghiệp KHCN trong trường ĐH không thâm dụng tài nguyên thiên nhiên, đất đai, tài chính, lao động, kẽ hở chính sách,… mà tập trung khai thác những nguồn lực dồi dào đang hiện hữu trong trường đó là nguồn nhân lực có trình độ cao và một số cơ sở vật chất chuyên sâu. Hàng chục vạn doanh nghiệp dân doanh với trình độ học vấn không cao, công nghệ không mạnh (nhưng ý chí cực lớn!) vẫn tồn tại và phát triển, lẽ nào doanh nghiệp KHCN trong trường ĐH với quá nhiều lợi thế cạnh tranh lại thua cuộc trên thương trường.
Sinh viên:
-         Doanh nghiệp KHCN trong trường ĐH góp phần hoạch định phương hướng đào tạo của trường không, thưa ngài tiên sinh?
Nhà tư vấn:
-         Doanh nghiệp KHCN trong trường ĐH có tiềm năng trở thành công cụ hoạch định chính sách thông qua việc định hướng giảng dạy, nghiên cứu theo nhu cầu xã hội.Trong các trường ĐH không có bộ phận chuyên môn với chức năng thu thập và xử lý những thông điệp từ nhu cầu xã hội. Vì vậy, việc giảng dạy và nghiên cứu trong các trường ĐH khó mà theo kịp nhịp điệu thay đổi của nhu cầu xã hội. Doanh nghiệp KHCN trong trường ĐH là một trong những định chế phù hợp cho sứ mệnh này.

III. ĐƯA KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀO CHUỖI GIÁ TRỊ.
Sinh viên:
-         Về mặt kinh doanh KHCN, tại sao các trường ĐH lại kiếm tiền thua các doanh nghiệp, thưa ngài tiên sinh?
Nhà tư vấn:
-         KHCN mang lại giá trị kinh tế to lớn khi và chỉ khi tham gia được vào các chuỗi giá trị trong nền kinh tế. Với các các chuỗi giá trị hiện nay, KHCN ít nhiều bị cô lập bởi hai khâu cực kỳ quan trọng đó là: Khám phá nhu cầu thị trường và Phân phối sản phẩm/dịch vụ ra thị trường. Nếu không giải quyết được khâu này, KHCN hầu như chỉ tồn tại trong tháp ngà hàn lâm và tách biệt với cuộc sống đời thường.
Sơ đồ một chuỗi giá trị trong nền kinh tế.
Sinh viên:
-         Trường ĐH cần điều chỉnh như thế nào để phát triển doanh nghiệp KHCN của mình, thưa ngài tiên sinh?
Nhà tư vấn:
-         Về mặt tổ chức: Thành lập mới hoặc tái cấu trúc một số đơn vị sự nghiệp KHCN như trung tâm, viện, phòng thí nghiệm,… sang mô hình doanh nghiệp.Trên quan điểm thị trường, KHCN chỉ là phương tiện, giá trị gia tăng tạo ra trên các khâu của chuỗi giá trị mới là mục đích đích thực. Với sự điều chỉnh này, nguồn lực KHCN được đặt dưới sự chi phối của các qui luật kinh tế thị trường.
-         Về mặt nhân sự: Bồi dưỡng nhà giáo/nhà khoa học thành doanh nhân và/hoặc tiếp nhận doanh nhân vào trường ĐH.Lịch sử tuyển dụng của các trường ĐH là lịch sử tuyển dụng giảng viên, nghiên cứu viên, nhà quản lý giáo dục và nhân viên nghiệp vụ. Rất ít trường ĐH hợp tác với doanh nhân để tìm kiếm và khai thác các cơ hội. Trong khi đó, suốt hơn hai mươi năm qua, hàng vạn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn dùngdoanh nhân Việt để làm giàu cho tư bản cố quốc ngay trên mảnh đất này.

IV. KẾT QUẢ KHẢO SÁT - NHỮNG PHÁT HIỆN CHÍNH.
1. Về triết lý kinh doanh.
Sinh viên:
-         Về mặt triết lý kinh doanh, doanh nghiệp trong trường ĐH nào tỏ ra độc đáo nhất, thưa ngài tiên sinh?
Nhà tư vấn:
-         Đó là trường ĐH Bách khoa Hà Nội với mô hình như sau:
Mô hình công ty mẹ - công ty con tại trường ĐHBK Hà Nội.

2. Về triết lý đào tạo.
Sinh viên:
-         Về mặt triết lý phục vụ sinh viên trong học tập, nghiên cứu và trải nghiệm thực tiễn thì doanh nghiệp trong trường ĐH nào tỏ ra độc đáo nhất, thưa ngài tiên sinh?
Nhà tư vấn:
-         Đó là trường ĐH Đông Á ở Đà Nẵng với mô hình như sau:
Mô hình doanh nghiệp trong trường học của trường ĐH Đông Á.
-         Ngoài ra, trường ĐH Đông Á còn có công ty cổ phần quốc tế Ontrack Việt Nam, được thành lập ngày 13.4.2011, liên doanh với công ty CWG (Singapore) chuyên về tư vấn, đào tạo nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp.

-         Xin lưu ý trường này có tên gọi cũ là trường ĐH Dân lập Đông Á khác với trường ĐH Công nghệ Đông Á trú đóng tại huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.


3. Về triết lý xã hội.
Sinh viên:
-         Nếu cổ đông lớn của doanh nghiệp KHCN trong trường ĐH là Công đoàn trường thì có gì đặc biệt, thưa ngài tiên sinh?
Nhà tư vấn:
-         Thứ nhất, với tư cách cổ đông, Công đoàn là nhà đầu tư nhằm mang lại lợi ích cho công đoàn viên nếu có được lợi nhuận.
-         Thứ hai, với tư cách cổ đông lớn, Công đoàn cử đại diện nắm giữa chức Chủ tịch và/hoặc Giám đốc doanh nghiệp. Nói chung, thế giới quan và nhân sinh quan của một lãnh đạo công đoàn và một lãnh đạo doanh nghiệp có những khác biệt nên có thể doanh nghiệp này mang màu sắc xã hội nhiều hơn so với doanh nghiệp thuần túy.
Sinh viên:
-         Nếu vừa là lãnh đạo công đoàn vừa là lãnh đạo doanh nghiệp thì có khó khăn gì, thưa ngài tiên sinh?
Nhà tư vấn:
-         Trong thực tế đã có doanh nghiệp KHCN trong trường ĐH do chủ tịch công đoàn kiêm nhiệm giám đốc phải giải thể. Nếu chủ tịch doanh nghiệp này thuê một CEO là doanh nhân đích thực điều hành thì kết cục có thể khác đi.

4. Về đẳng cấp hàng hóa.
Sinh viên:
-         Đẳng cấp hàng hóa của các doanh nghiệp KHCN trong trường ĐH như thế nào, thưa ngài tiên sinh?
Nhà tư vấn:
-         Từ dữ liệu thu thập được có thể phân chia các doanh nghiệp KHCN trong trường ĐH thành những cấp độ như sau:
-         Hình thái sơ cấp: bán các hàng hóa thông thường.Hình thức biểu hiện cụ thể là: sản xuất, gia công, tư vấn, chuyển giao,… Tất cả các doanh nghiệp trong trường ĐH đều thuộc về đẳng cấp này. Hàng hóa ở đây là máy móc, phần mềm, gói tư vấn thiết kế, khóa huấn luyện,…
-         Hình thái trung cấp: bán (một phần và/hoặc toàn bộ) doanh nghiệp đã trưởng thành mặc dù doanh nghiệp chưa lên sàn chứng khoán.Chỉ có một số rất ít như trường ĐH Bách Khoa Hà Nội đạt tới đẳng cấp này. Hàng hóa ở đây là sở hữu vốn điều lệ của doanh nghiệp.
-         Hình thái cao cấp: bán một hạt giống doanh nghiệp từ vườn ươm. Chưa có doanh nghiệp trong trường ĐH nào, kể cả chính bản thân các trường ĐH đạt tới đẳng cấp này. Hàng hóa ở đây là một tầm nhìn.
Một số hàng hóa của doanh nghiệp trong trường ĐH.

5. Về vườn ươm doanh nghiệp.
Sinh viên:
-         Việc ươm tạo doanh nghiệp KHCN trong trường ĐH như thế nào, thưa ngài tiên sinh?
Nhà tư vấn:
-         Sau đây là bảng so sánh vườn ươm doanh nghiệp và vườn ươm cà chua.
Yếu tố
Vườn ươm doanh nghiệp
Vườn ươm cà chua
Đối tượng ươm tạo
Doanh nghiệp
Cây cà chua
Đầu vào của vườn ươm
Ý tưởng sáng tạo
Hạt giống cà chua
Sản phẩm của vườn ươm
Doanh nghiệp non
Cây cà chua non
Tầm nhìn (viễn cảnh tương lai).
Biết rất ít: có quá nhiều yếu tố chủ quan và khách quan chi phối viễn cảnh tương lai của doanh nghiệp.
Biết tương đối rõ: cần bón loại phân nào, thời gian thu hoạch, hình dạng trái, trọng lượng trái,...
Hệ quả.
Nhiều rủi ro
Ít rủi ro.
Qui mô thành công
Gần như chưa có gì
Vô vàn cây cà chua
Sinh viên:
-         Ươm tạo doanh nghiệp KHCN và ươm tạo giống cây, giống con cái nào khó hơn, thưa ngài tiên sinh?
Nhà tư vấn:
-         Bên cạnh các Khu Công nghệ cao, một số trường ĐH đã thành lập vườn ươm doanh nghiệp. Kinh doanh vườn ươm thuộc về cấp độ cao nhất trong các hình thái hàng hóa, trong khi các trường ĐH này chưa có nhiều kinh nghiệm về doanh nghiệp ở các cấp độ thấp hơn.
-         Chẳng hạn, một trường ĐH trong lĩnh vực nông nghiệp có một vườn ươm doanh nghiệp, trong khi bản thân trường này chưa có một doanh nghiệp bài bản nào cả. Khi chưa ươm tạo được cho chính mình doanh nghiệp nào thì rất khó thuyết phục về sản phẩm ươm tạo cho người khác.
-         Về việc ươm tạo giống cây, giống con thì trường Đại học này thật là tuyệt vời, còn ươm tạo doanh nghiệp thì gần như là chưa có gì.

6. Về nguồn nhân lực.
Sinh viên:
-         Nhân lực trong các doanh nghiệp KHCN trong trường ĐH có đặc điểm gì, thưa ngài tiên sinh?
Nhà tư vấn:
-         Hầu như tất cả lãnh đạo chủ chốt của các doanh nghiệp trong trường ĐH đều xuất thân từ nhà giáo, nhà khoa học. Do xuất thân từ môi trường khoa học giáo dục nên lãnh đạo doanh nghiệp trong trường ĐH thường có xu hướng kỹ trị. Nói cách khác, đây là những nhà chuyên môn đi làm doanh nhân.
-         Trong nền kinh tế thị trường, chức năng marketing trong doanh nghiệp còn quan trọng hơn cả chức năng sản xuất hay nghiên cứu. Tuy nhiên, đội ngũ nhân lực marketing trong các doanh nghiệp thuộc trường ĐH không tương xứng với đội ngũ nhân lực KHCN. Điều này giải thích vì sao các doanh nghiệp trong trường ĐH phát triển khá chậm so với tiềm năng
Sinh viên:
-         Vị thế của bộ phận marketing tại các doanh nghiệp KHCN trong trường ĐH như thế nào, thưa ngài tiên sinh?
Nhà tư vấn:
-         Nhìn chung là không có bộ phận marketing, có chăng marketing chỉ là một bộ phận của phòng kinh doanh trong các doanh nghiệp này!
-         Với marketing hiện đại, bộ phận nghiên cứu phát triển (R&D) được định hướng tầm nhìn ứng dụng bởi bộ phận marketing. Trong khi đó, bộ phận marketing (nếu có) tại các doanh nghiệp trong trường ĐH tuy có vị thế cao hơn bộ phận bảo vệ hay tạp vụ nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với các bộ phận khác, nhất là bộ phận KHCN.
Sinh viên:
-         Nhà giáo/nhà khoa học đi làm doanh nhân thì họ là doanh nhân chứ, thưa ngài tiên sinh?
Nhà tư vấn:
-         Bảng sau so sánh một vài điểm sự khác biệt quan trọng giữa nhà khoa học/nhà giáo và doanh nhân.
Yếu tố
Nhà khoa học/Nhà giáo
Doanh nhân
Đối tượng lao động.
Đề tài nghiên cứu/bài giảng.
Cơ hội kinh doanh.
Bản chất công việc.
Khám phá/truyền thụ tri thức.
Theo đuổi các cơ hội kinh doanh bất chấp sự thiếu hụt của các nguồn lực cần thiết hiện có.
Đặc điểm ra quyết định.
Quyết định dựa trên thông tin đầy đủ và logic.
Quyết định trong điều kiện thông tin không đầy đủ, thiếu luận cứ.
Thái độ với thất bại.
Cố gắng né tránh.
Sống chung với thất bại.
Tính chất công việc.
Mang tính cá nhân, tự mình hoàn thành công việc.
Mang tính xã hội, hoàn thành công việc thông qua người khác.
Đánh giá kết quả công việc.
Chỉ tuyên dương, khen thưởng khi thành công.
Thất bại và thành công được xem là có vai trò và ý nghĩa như nhau.
Thái độ của cộng động.
Hàng ngàn năm văn hiến tôn sư, trọng đạo.
Ngày Doanh nhân 13/10 chỉ được xác lập trong vài năm gần đây, sau bao thăng trầm của lịch sử.

7. Về hoạt động đào tạo.
Sinh viên:
-         Hoạt động đào tạo tại các doanh nghiệp KHCN trong trường ĐH như thế nào, thưa ngài tiên sinh?
Nhà tư vấn:
   -         Hầu hết các doanh nghiệp KHCN trong trường ĐH đều có mảng hoạt động đào tạo với nhiều các hình thức khác nhau.
Sinh viên:
-         Vì sao doanh nghiệp KHCN trong trường ĐH vẫn tham gia hoạt động đào tạo, thưa ngài tiên sinh?
Nhà tư vấn:
-         Một trong những nguyên nhân của vấn đề này là do việc tìm kiếm lợi nhuận trong lĩnh vực đào tạo vẫn dễ dàng hơn nhiều so với lĩnh vực thương mại hóa các ứng dụng KHCN.
-        Một nguyên nhân khác là lãnh đạo doanh nghiệp nói riêng cũng như đội ngũ nhân sự nói chung có nhiều kinh nghiệm hơn trong lĩnh vực đào tạo. Trên những cánh đồng bao la và màu mỡ trong lĩnh vực đào tạo của trường ĐH mẹ, thường có một vài khoảnh ruộng nhỏ chuyên canh dành doanh nghiệp con của mình, nhất là đào tạo ngắn hạn
                                                           ***
Làng Hạ, năm 6.000 trước Tây lịch thời đồ đá
Trần Ngọc Truyền


-----------------------------------------------------------------------------------------------
SÁNG TẠO DU KÝ - Nơi đánh thức và nuôi dưỡng những linh hồn sáng tạo!
Tự học sáng tạo qua BÀI VIẾT: link
Tự học sáng tạo qua HÌNH ẢNH: link
Tự học sáng tạo qua BÀI GIẢNG: link
Nhìn lại chặng đường năm đầu tiên: link

Bí mật Khóa học Business Innovation: link

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét